Đánh giá Lưu_Thiện

Nhiều nhà sử học thời xưa thường nhìn nhận Lưu Thiện là một vị vua kém cỏi, là "dung chủ" (ông vua mất nước). Nhà thơ Lưu Vũ Tích đời Đường từng làm bài thơ "Thục Tiên chủ miếu", trong đó ca ngợi tài năng của Lưu Bị và chê trách Lưu Thiện đã không giữ được cơ đồ của cha mình:

Anh khí bao trùm trời đất rộng,Oai linh còn mãi đến ngàn sau.Dư đồ chia rõ ba chân vạc,Cơ nghiệp đem về tiền Ngũ châu.Tìm tướng, mở mang nên nghiệp nước;Sinh con, tài cán kém xa cha!Ngậm ngùi, ca vũ trong cung Thục,Cung Ngụy giờ đây đến múa hầu.

Những nhà sử học hiện tại thì nhìn nhận Lưu Thiện không hẳn là một vị vua kém. Trong giai đoạn đầu nắm quyền, ông cũng có một số thành tích. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện vẫn có thể tiếp tục lãnh đạo Thục Hán trong 30 năm mà không xảy ra đại loạn gì lớn, có thể thấy Lưu Thiện vốn không phải hồ đồ. Sau này về già, ông tin cậy hoạn quan Hoàng Hạo thì chính sự nước Thục hán mới suy yếu.

Sau này, khi Lưu Thiện nói với Tư Mã Chiêu rằng ông không nhớ đất Thục, đó không hẳn là do ông ngô nghê, mà đó là để cho Tư Mã Chiêu nghĩ rằng ông là 1 kẻ nhu nhược, nên không cần phải bận tâm chi nữa. Đó là cách để Lưu Thiện xóa đi nghi ngờ của Tư Mã Chiêu, tránh được họa diệt tộc cho bản thân và gia đình. Sách “Tam Quốc tập giải” của Chu Thọ Xương đánh giá cao hành động này: “Những lời đồn đại (về Lưu Thiện) là hoàn toàn sai sự thực. Chẳng qua, A Đẩu tự ẩn mình đi để bảo toàn chính mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo mà thôi”.